Những thay đổi của cơ thể khi mang thai

Khi tử cung người mẹ đón nhận sự làm tổ của em bé, cơ thể người mẹ bắt đầu có những thay đổi để phù hợp với sinh lý mang thai. Quá trình này kéo dài từ khi thụ thai cho đến khi em bé được sinh ra. Hiểu rõ những thay đổi của cơ thể khi mang thai sẽ giúp các bà mẹ tương lai có thể nhận biết được sự thay đổi nào là bình thường, triệu trứng nào là bất thường cần đi khám thai ngay.

Những thay đổi của cơ thể khi mang thai
Những thay đổi của cơ thể trong thai kỳ:

Hệ sinh dục

Tử cung: Thai nằm trong hố chậu khoảng 3 tháng đầu thai kỳ và nằm trong vùng bụng từ tháng thứ 4 trở đi, từ giai đoạn này thai lớn nhanh và "chiếm chỗ" các cơ quan "láng giềng" như hệ niệu quản, bàng quang, niệu đạo, đại tràng, trực tràng, đẩy cơ hoàng (cơ hô hấp chính của cơ thể) lên cao, gây khó khắn trong hô hấp...

Tuyến vú: Tuyến vú phát triển to, quầng vú sậm màu, xuất hiện các thể montgomery (do các tuyến bã phát triển, có nhiệm vụ giữ sữa trong các tuyến sữa luôn thơm, ngon).


Hệ Huyết Học

Máu: Máu thai phụ loãng hơn vì giữ nước (cơ thể cần thể tích dịch nhiều hơn, nhằm cung cấp nguyên liệu cho quá trình tạo nước ối), và số lượng hồng cầu hơi giảm, bạch cầu hơi tăng.

Mạch máu: Những tháng cuối thai kỳ, thai lớn đè lên hệ tĩnh mạch vùng chậu, gây phù chân.

Hệ Hô Hấp

Những tháng cuối thai kỳ, do thai to, đẩy cơ hoành lên trên, việc hít thở khó khăn hơn, mẹ thở nhanh, nông.

Hệ Tiêu Hóa

Ba tháng đầu là quá trình tiếp nhận em bé vào bụng mẹ, cơ thể mẹ chưa quen với sự có mặt của bào thai nên hay khó chịu, buồn nôn, nôn, thích ăn những thức ăn lạ, gọi là triệu chứng nghén.

Ba tháng giữa và cuối, thai to nhanh, chiếm một thể tích lớn trong khoang bụng, "lấn chỗ" các cơ quan như dạ dày, mẹ sẽ có cảm giác đầy bụng, khó tiêu, và nếu thai chèn ép vào đại tràng, mẹ có các triệu chứng táo bón.

Hệ Tiết Niệu

Thai "cạnh tranh chỗ" với bàng quang của mẹ, nên mẹ hay có các triệu chứng đi tiểu nhiều lần, mỗi lần một ít.

Ngoài ra, do sự chèn ép của bào thai, nhu động của bàng quang sẽ giảm, thai phụ dễ bị nhiễm trùng đường tiểu, lúc này các triệu chứng sẽ là: tiểu rát, tiểu gắt, tiểu đục, tiểu mủ, tiểu máu... Những trường hợp này nên đi khám bác sĩ ngay để được điều trị, vì các nhiễm trùng có thể gây nhiễm trùng vào thai và kích thích sinh non.

Hệ Thần Kinh

Trong thời gian mang thai, phụ nữ hơi mất cân bằng về tâm lý thần kinh nên khó tính hơn ngày thường một chút, dễ vui, dễ buồn vô cớ.

Hệ Cơ Xương Khớp

Cột sống ưỡn, mất can-xi, các khớp cùng chậu, khớp vệ giãn ra trong những tháng cuối để quá trình sinh được dễ dàng, điều này gây cho thai phụ các triệu chứng đau mỏi các khớp, lưng.

Xử trí các tình huống thường gặp:

1. Nôn, ối, ọe: Thường gặp trong 3 tháng đầu thai kỳ, do sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể mẹ, tuy nhiên một số bà mẹ có thể nôn ói trong suốt thai kỳ.


Thai phụ cần nghỉ ngơi, tránh lo lắng, không để cơ thể quá đói, quá no, nên "ăn vặt" các loại bánh, trái cây.

Khi muốn nôn thì nôn, nôn xong súc miệng, nghĩ ngơi, một lát sau hãy ăn lại, trước khi ăn nên thư giãn, ăn các loại thức ăn mình thích thật sự.

Ví dụ: Các loại sữa dành cho phụ nữ mang thai là rất tốt, nhưng nếu bạn không uống được, lần nào uống vào cũng bị nôn, thì hãy chuyển qua sữa tươi, sữa trái cây, sữa đậu nành, phô mai, đậu hũ...

2. Khó thở: Tình trạng này xảy ra khoảng 3 tháng giữa và cuối thai kỳ, tùy vào cơ địa của mẹ và trọng lượng của thai.

Để giảm bớt sự khó chịu, thai phụ cần tập đi bộ nhẹ nhàng, thoải mái, vừa đi vừa hít thở đều, sâu theo sức của mình. Khi ngủ, nên nằm nghiêng, hoặc có thể kê gối cao.

3. Đau lưng: Nên xoa bóp nhẹ vùng lưng, tắm nước ấm.

4. Đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn: Thai phụ nên ăn nhiều lần, mỗi lần một ít.

Sau khi ăn, nên xoa nhẹ vùng dạ dày và đi lại nhẹ nhàng, tránh nằm nghỉ ngay.

5. Táo bón: nên ăn nhiều rau xanh, trái cây như chuối, bắp, khoai lang, dầu mè, uống nhiều nước, tập các bài tập nhẹ nhàng, tránh đứng hoặc ngồi lâu, tránh dùng thuốc nhuận tràng.

6. Phù chân: hạn chế đứng lâu, kê chân khi ngồi, nằm (nên ngồi với 2 ghế cao bằng nhau, một ghế ngồi, một ghế kê chân, sao cho chân và mông ở vị trí bằng nhau).

Trong thai kỳ của mình, các bà mẹ có thể gặp tất cả các triệu chứng trên, hoặc cũng có thể chỉ gặp một số triệu chứng trong số đó, tùy vào cơ địa của mỗi người. Nếu các thay đổi của mình không "giống" ai cả, thì cũng không cần lo lắng, vì mỗi người là một trường hợp riêng biệt, không ai giống ai. Chỉ cần phụ nữ quan tâm theo dõi sức khỏe và các dấu hiệu khác lạ của cơ thể mình trong suốt quá trình mang thai, nếu có gì bất thường thì hãy đi đến bác sĩ để được khám ngay.

Chuẩn bị mang thai - Bước đầu tiên quan trọng của thai giáo

Những việc cần chuẩn bị

Sức khỏe thể chất và tinh thần của hai vợ chồng rất quan trọng, là điều kiện cần thiết nhất để có một thai nhi khỏe mạnh, thừa hưởng được tố chất tốt nhất từ bố mẹ. Vì vậy vợ chồng trước khi gặp nhau để thụ thai cần lưu ý một số việc sau:


1. Hai vợ chồng cần được khám sức khỏe toàn diện trước khi định có con. Cần đảm bảo cả hai đều khỏe mạnh, cả thể chất và tinh thần, đủ điều kiện sức khỏe để sinh con. Người vợ không có bệnh về răng miệng, không viêm nhiễm âm đạo. Người vợ cần được tiêm phòng Rubella.

2. Người vợ trong vòng 3 tháng trước khi thụ thai không nên uống kháng sinh, thuốc tránh thai.

3. Chồng không hút thuốc, uống rượu, bia, cà phê, nói chung là kiêng các loại chất kích thích trong một tháng, ít nhất 10 ngày.

4. Vợ ăn uống tốt, trước khi có thai 3 tháng nên uống sữa dành cho phụ nữ mang thai, uống viên bổ sung sắt, axit foxit và canxi.

5. Hai vợ chồng gặp nhau khi quan hệ khi thời tiết đẹp (không xấu trời), tình cảm giao hòa, cùng nghĩ về hình ảnh đứa con tương lai. Khi thụ thai, tình yêu mặn nồng của hai vợ chồng dành cho nhau có ảnh hưởng rất quan trọng đối với thai nhi. Đứa con là kết tinh của tình yêu sẽ thừa hưởng được những gì đẹp nhất, tốt nhất của bố mẹ.

6. Luôn tâm niệm: "đặt con vào dạ, là mạ đi tu", người mẹ tâm thể hạnh phúc, lạc quan, ôn hòa, yêu thương đón đợi bé.

7. Quan hệ gia đình gắn bó, quan tâm, thông cảm, biết chia sẻ, yêu thương nhau giữa các thành viên.

8. Chuẩn bị về kinh tế để người mẹ yên tâm dưỡng thai, ăn uống đủ chất, yên tâm về việc nuôi con.

9. Chuẩn bị nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, trang trí thẩm mỹ, lý tưởng nhất là có cây xanh, có nơi nghỉ ngơi riêng cho người mẹ.

10. Chuẩn bị phương án sinh con và nuôi con ở đâu, ai chăm sóc hai mẹ con trong tháng đầu sau sinh...

Ngoài ra, để hỗ trợ cho thời kỳ mang thai, vượt cạn để dễ dàng và chăm sóc bé tốt hơn, bạn nên tham gia những lớp tiền sản, tại đây bạn sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết về mang thai và sinh sản. Có như thế, bạn mới không rơi vào trạng thái tâm lý sôt ruột, sợ hãi.

Những điều cần tránh khi chuẩn bị mang thai:

1. Không giao hợp để có thai sau khi uống rượu, bia. Nếu có giáo hợp cần áp dụng các biện pháp tránh thai.

2. Không mang thai trong thời gian có dịch bệnh (dù vợ chồng đều không mắc).

3. Không mang thai khi một trong hai người đang bệnh, hoặc vừa khỏi bệnh nặng phải dùng thuốc kháng sinh.

4. Tránh ngày con nước (3 ngày trước rằm và mùng 1 âm lịch) và khi thời tiết xấu. Ca dao Việt Nam xưa cũng có câu nhắc nhở:

"Phải ai giao hợp vợ chồng
Phải ngày con nước khó lòng có con"

5. Tránh giờ Tý (từ 23 giờ đến 1 giờ sáng), rất hại sinh lực, tổn dương khí.


Những điều cần tránh khác:

1. Không nhuộm tóc: phụ nữ mang thai, chuẩn bị có thai hoặc cho con bú không nên đổi màu tóc vì những hóa chất độc hại có thể làm dị dạng thai nhi và đi qua sữa, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

2. Tránh dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

3. Tránh ăn thực phẩm đóng hợp, đóng chai.

4. Hạn chế dùng đường, bột ngọt, nước đá.

5. Người chồng cần tránh rượu, bia, không hút thuốc lá, đặc biệt khi ở bên cạnh vợ.

Kinh nghiệm thai giáo và vấn đề thai giáo ở Việt Nam hiện nay

Kinh nghiệm thai giáo ở Việt Nam

"Gia Huấn Ca" xưa đã chỉ bảo về Thai giáo:

"Khi thai sản quan phòng gìn giữ

Học cổ nhân huấn tử trong thai

Dâm thanh nhớ để ngoài tai

Ác ngôn chớ chút động lòng sởn sơ.

Từ xuất nhập, khởi cư, hành động

Có lễ nghi nghiêm trọng đoan trinh

Đừng ngồi chính đại quang minh

Cho bằng phẳng thế, chớ nghiêng lệch mình."

Bí quyết sanh dưỡng của Danh y Tuệ Tĩnh

Theo Danh y Tuệ Tĩnh, "Âm dương hòa hợp thì muôn vật sinh, tinh huyết giao cảm thì thai nghén lành...Phàm động vật lúc mới thai nghén cũng giống như thực vật kết hột, cốt được yên lặng ôn hòa thì mới thành được quả, nếu bị rét, nắng, gió sương lay chuyển thì không khỏi điêu tàn.


Trong vạn vật thời chỉ có loài người được bẩm thụ chánh khí của trời đất, gồm cơ trí muôn vật vượt sáng suốt của trăm loài, cho nên, lúc sinh đẻ, nuôi nấng, so với mọi loài vật đều khác xa. Lấy lai lịch loài người mà nói, thì phép dưỡng thai rất quan trọng, thời kỳ mang thai là rất quan hệ, vì có tổ tiên mới sinh ra con cháu, có con cháu mới nối dõi tổ tiên. Cho nên, trong lúc thai nghén cần và phải giữ gìn điều dưỡng, không nên xem thường
".

Kinh nghiệm thai giáo và vấn đề thai giáo ở Việt Nam hiện nay
Nên làm, nên kiêng khi thai nghén:

1. Ý: nên vui vẻ, kiêng lo nghĩ

2. Cơ thể: nên vận động, kiêng ở dưng (nhàn rỗi)

3. Lòng: nên tiết độ, kiêng thèm muốn

4. Ở: nên mát mẻ, kiêng nóng bức

5. Ăn: nên ấm áp, kiêng nguội lạnh

6. Mặc: nên thích ứng thời tiết, kiêng quá lạnh, quá nóng

7. Gân cốt: nên thường vận động, kiêng đứng lâu

8. Thân thể: nên điều hòa hơi thở, kiêng ngồi lâu

9. Chân nên đi bách bộ, kiêng đi lâu

10. Lưng: nên trăn trở, kiêng nằm lâu

11. Nằm: nên ổn định, kiêng nghiêng lệch

12. Ngồi: nên ngay ngắn, kiêng siêu vẹo

13. Đứng: nên thẳng hàng, kiêng co chân

14. Nói: nên hiền lành, kiêng quỷ quyệt

15. Mắt: nên trông cái tốt, kiêng xấu xa, ô uế

16. Tai: nên nghe chuyện tốt lành, tránh nghe tiếng thô bỉ dâm tà.

Tuân thủ, không làm trái những điều trên sẽ sinh con ngoan, tài giỏi hơn người


Lời khuyên của Hải Thượng Lãn Ông và nuôi dưỡng thai nhi:

"Nhũng phương pháp tốt khi đẻ" là một phần trong pho Lãn Ông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông. Trong lời nói đầu, Hải Thượng Lãn Ông ghi: "Quy luật sinh hóa của thiên nhiên rất mầu nhiệm, âm dương bốn mùa sinh trưởng hóa sinh, huống gì đối với con người há không có sự nuôi dưỡng chu đáo hay sao?",

Và ông đưa ra vài điều khuyên dạy:
  • Có thai và sinh đẻ là hiện tượng tự nhiên bình thường của phụ nữ, nếu thai phụ khỏe mạnh, khí huyết sung túc, tinh thần đầy đủ, thư thái thì việc sinh đẻ tự nhiên như người ngủ tỉnh dậy, thai có xu thế tự nhiên tìm đường ra. Nếu thai yếu thì nên bổ khí dưỡng huyết. Khi sinh đẻ cần được bà đõ lành nghề, sản phụ không nên rặn quá sớm.
  • Khi sắp sinh, sản phụ cần an tâm định chí, thoải mái tự nhiên, gắng chụi đau. Bình thường thì đến thời điểm chín muồi thì tự nhiên đẻ như người đi đại tiện, như quả chín tự nhiên rụng.
  • Khi sắp đẻ không nên nằm co mà ngủ, nên gượng dậy đi lại trong phòng.
  • Sắp đẻ chớ nên bói toán, cầu cúng mà hoang mang.
Hải Thượng Lãn Ông còn chỉ ra 7 nguyên nhân làm khó đẻ:

1. Vì nhàn rỗi quá làm cho khí huyết kém lưu thông. Thường thấy phụ nữ nông thôn lao động chân tay lại dễ đẻ.

2. Vì bồi dưỡng quá thừa thãi. Thường thấy phụ nữ ăn uống sinh hoạt bình lại dễ đẻ.

3. Vì ham dục làm thai động hao tổn khí huyết. Thường 3 tháng đầu, 3 tháng cuối dễ bị ảnh hưởng hơn.

4. Vì lo sợ hoang mang.

5. Vì nhút nhát, nhất là ở sản phụ đẻ con so hay sản phụ tuổi thọ cao.

6. Vì quá sợ hoảng hốt, vội rặn sớm thai không ra bình thường.

7 Vì đuối sức rặn sớm quá.

Phương pháp thai giáo hiện nay:

Những bài viết hay Tham luận trong các Hội thảo của các chuyên gia về Thai giáo ở Việt Nam hiện nay thường nêu ra 14 kỹ năng, chia thành 5 bài học.


14 kỹ năng cơ bản là:
  1. Ru và hát
  2. Nựng nụi
  3. Dỗ dành
  4. Xoa bụng bằng ngón tay yêu thương
  5. Nghe nhạc thích hợp, du dương, êm ái
  6. Đọc văn thơ và nói những lời trìu mến
  7. Nghĩ đến thai nhi một cách trân trọng, chờ mong
  8. Để ý đến tư thế đi, đứng, nằm, ngồi
  9. Kể chuyện vui tươi
  10. Hội bạn bè nâng niu người mẹ và thai nhi
  11. Xem và bình phẩm tranh ảnh nghệ thuật
  12. Quan tâm, săn sóc người mẹ
  13. Tạo không khí tốt đẹp trong gia đình
  14. Cả nhà cùng yêu thương và chăm sóc cho người mẹ
5 Bài học:

1. Thính giác: nên nghe nhạc du dương và nhạc thiên nhiên như tiếng nước chảy, tiếng chim hót, lời nói dụi dàng trong gia đình.

2. Thị giác: nên xem những cảnh đẹp, tranh đẹp, hình ảnh những người mẹ yêu thương con.

3. Khứu giác: nên tìm những mùi hương mình thích, mùi hương của hoa cỏ.

4. Xúc giác: nên xoa nhẹ lên bụng.

5. Vị giác: nên ăn uống những món nào mình thích.

Nói chung, nên có một tâm lý lạc quan, xem thai nhi là món quà quý giá mà cả gia đình đang mong chờ đón nhận. Người mẹ cần luôn vui vẻ lạc quan và tránh những cảm xúc tiêu cực vì khoa học đã chứng minh cơ thể người mẹ sẽ tiết ra rất nhiều chất Adrenaline khi tức giận, chất Cholamine khi sợ hãi, chất Endorphine khi người mẹ hanh phúc, và những chất đó đều ảnh hưởng đến trẻ thông qua cuống rốn của thai nhi.

Kinh nghiệm thai giáo ở các nước

Thai giáo rất quan trọng trong thời kì đầu phát triển của trẻ, vậy các nước khác thai giáo khác nhau như thể nào? Dưới đây là kinh nghiệm thai giáo ở các nước.

TRUNG QUỐC


Ở Trung Quốc, những vấn đề liên quan đến việc giáo dục thai nhi có lịch sử rất lâu đời, từ hơn một ngàn năm trước. Nhiều sách cổ ở Trung Quốc có ghi lại học thuyết giáo dục thai nhi.

Trong cuốn "Trục nguyệt dưỡng thai pháp", Từ Chí Tài đời Bắc Tề yêu cầu thai phụ "ăn tinh uống chín, ăn canh cá, ăn thịt bò dê, không để cơ thể mệt nhọc, không ở yên bất động một chỗ, phải ra ngoài dạo chơi". Đồng thời yêu cầu thai phụ mặc đồ dày, tắm ánh nắng ban mai, tắm rửa giặt giũ thường xuyên, hạn chế gần gũi chồng.

Trong cuốn "Chư bệnh nguyên hậu luận" đời Tùy nói: Muốn con tài đức thì phải đoan chính, hòa nhã, đứng ngồi ngay ngắn, mắt không nhìn bậy bạ, miệng không nói điêu ngoa, tâm không có tà ý.

Danh y nổi tiếng đời Đường là Tôn Tư Mạc nói rõ trong "Thiên kiêm yếu phương" của ông về cách dưỡng thai từng tháng, đưa ra yêu cầu về việc ăn ngủ đi lại của thai phụ.

Trong "Cổ kim đồ thư tập thành - Nhất bộ toàn lục" đời Thanh có học thuyết dạy thai nhi khá đầy đủ, hệ thống, tập hợp các nội dung có liên quan đến giáo dục thai nhi thời cổ đại, đặt tên là "Tiệu nhi vi sinh thai dưỡng môn". Trọng tâm của những học thuyết này là: thai nhi không ngủ li bì trong cơ thể mẹ, mà ngay từ khi mới hình thành đã chụi ảnh hưởng bởi sự thay đổi tâm sinh lý của người mẹ; yêu cầu trong thời kỳ mang thai, thai phụ phải tu tâm dưỡng tính, không được để thất tinh (mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn) làm ảnh hưởng.

"Liệt nữ truyện" có viết: "Phụ nữ mang thai, nằm không lệch về một phía, ngồi không nghiêng ngã, đứng không xiêu vẹo", "Mắt không nhìn ố sắc, tai không nghe dâm thanh... như thế thì mới sinh con dung mạo đoan chính, tài đức hơn người".

Những tài liệu này cho thấy, nền giáo dục Trung Quốc từ xưa đã coi trọng tính cách "thiêng liêng hơn muôn loài" (linh ư vạn vật) của con người nên đã sớm quan tâm đến vấn đề "thai giáo". Người xưa đã khám phá phương pháp dạy thai nhi qua con đường tiềm thức để từ đó mở đường cho việc truyền đạt tri thức qua con đường ý thức sau khi trẻ chào đời.

HOA KỲ

Các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng tinh thần có ảnh hưởng đến cơ thể. Floyd Bloom khẳng định: tâm trạng tiêu cực sẽ sản sinh những ảnh hưởng không tốt đối với cơ thể người, đồng thời đưa ra khái niệm y học thân tâm, ngầm chỉ tâm trạng của thai phụ sẽ ảnh hưởng đối với thai nhi.


Tiến sĩ Thomas R. Verny đề cập đến sự phát triển tri thức và tâm lý của bào thai, vạch ra tầm quan trọng của việc giao lưu tình cảm giữa người mẹ và thai nhi trong cuốn The Secret Life of the Unborn Child. Ông cho rằng thai nhi có cảm giác và tư duy, và do đó, hoạt động tâm lý của thai phụ, nhất là tình thương của người mẹ, có ảnh hưởng rất tích cực tới thai nhi. Trong suốt thai kỳ, sự phát triển cả về thể chất lẫn trí não của thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ dinh dưỡng và trạng thái tâm lý của người mẹ. Do vậy, để thai nhi phát triển an toàn và khỏe mạnh, người mẹ cần biết những gì nên và không nên để phòng tránh trong suốt thời kỳ mang thai.

Trường Đại học thai nhi ở Mỹ

Năm 1977, một chuyên gia khoa sản của Mỹ đã thành lập một trường Đại học đặc biệt - trường đại học dành riêng cho thai nhi, chuyên hướng dẫn thai phụ cách giáo dục thai nhi. Phương thức dạy học là trò chuyện với thai nhi một cách có hệ thống, cho nghe nhạc, vỗ và xoa ở các vị trí nhất định trên bụng thai nhi. Trò chuyện nhiều với thai nhi, dạy thai nhi nhận ra giọng nói của bố mẹ. Phương pháp này giúp trẻ sau khi chào đời phát triển tốt hơn và học tập tốt hơn. Đến năm 2007, số học sinh đã có hơn 800 em. Học sinh sau khi chào đời vài tiếng đã có thể có được mũ cử nhân và bằng tốt nghiệp do nhà trường phát.

Giáo trình của trường gồm:

- Bài tập ngôn ngữ: Người mẹ dùng một máy phát âm đặc biệt hướng vào phía thai nhi và cho con nghe đi nghe lại các câu chữ.

- Bài tập âm nhạc: Người mẹ cho máy phát tiếng nhạc hướng về phía phần bụng mình.

- Bài tập vận động: Cho thai nhi luyện tập các động tác "đá vào bụng mẹ".

Các nhà khoa học Mỹ cho rằng: phương pháp giáo dục như vậy giúp cho sự phát triển tư duy của bé. Khi chào đời, bé có thể học tập dễ dàng hơn. Đồng thời, phương pháp này cũng giúp trí não trẻ phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thần kinh của bé phát triển. Ngoài ra, trường học dành riêng cho thai nhi này còn khuyến khích các ông bố cùng tham gia giáo dục trẻ sơ sinh. Làm như vậy, vừa có thể củng cố mối quan hệ gia đình, lại có thể làm cho thai thông minh, nhanh nhận biết được cha mẹ đồng thời dễ hiểu được ngôn ngữ và chữ số hơn.

NHẬT BẢN

Nhật Bản là nước rất coi trọng thai giáo và phổ biến thai giáo cho toàn dân. Các học thuyết về thai giáo kết hợp với kinh nghiệm dân gian được lưu truyền bằng nhiều cách. Khi y học phương Tây du nhập vào Nhật Bản, do người Nhật chưa kịp thời nghiên cứu ngay từ ban đầu ý nghĩa chân thực của "thai giáo" nên trong một thời gian dài người ta nhầm tưởng "thai giáo là mê tín".


Nhưng 20 năm gần đây, cùng với sự phát triển như vũ bảo của kinh tế và khoa học kỹ thuật, các chuyên gia y học cùng với các chuyên gia giáo dục ở Nhật Bản đã áp dụng những kỹ thuật và thiết bị tiên tiến hiện đại, đưa ra các phương pháp như y học về thai nhi, giáo dục tâm lý ở giai đoạn thai nhi, làm sáng tỏ cơ sở khoa học và các phương pháp của môn khoa học thai giáo. Nhờ đó Nhật Bản đã trở thành quốc gia tích cực nhất trong việc đề xướng thai giáo trên thế giới.

Đầu tiên, các chuyên gia y học Nhật Bản tiến hành các kích thích trực tiếp vào chân tay thai nhi, quan sát, ghi lại những phản ứng của thính giác, thị giác và xúc giác. Kết quả cho thai, thai nhi bình thường sau 5 tháng tuổi có thể nghe được âm thanh từ bên ngoài truyền vào trong tử cung, đồng thời có thể nhìn thấy được những tia sáng từ bên ngoài xuyên qua tử cung. Ánh sáng này làm trẻ có phản ứng nhắm một mắt lại.

Một giáo sư người Nhật chứng minh rằng âm thanh bên ngoài cơ thể người mẹ thực sự có thể truyền đến tai thai nhi làm thai nhi có thể nghe thấy âm thanh. Ông cũng dùng máy ghi âm ghi lại nhịp tim của người mẹ và tiếng chảy của dòng máu, sau đó cho trẻ mới sinh nghe khiến bé cảm thấy yên tâm và không khóc quấy nữa.

Sau này, ông lắp đặt những thiết bị có thể phát ra những âm thanh như vậy, rồi đặt bên tai một đứa trẻ đang quấy khóc để tiến hành thí nghiệm, quả nhiên đứa trẻ lập tức ngừng khóc và ngoan ngoãn ngủ say. Nếu làm thi nghiệm này đối với một đứa trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi thì kết quả càng thể hiện rõ hơn. Hiện tượng này chứng tỏ, khi trẻ còn trong bụng mẹ đã biết học nghe âm thanh và ghi nhớ những âm thanh quen thuộc trong cơ thể người mẹ.

NƯỚC ANH

Theo báo cáo được ghi lại từ các kết quả nghiên cứu tại Học viện Tâm lý học Trường Đại học List của Anh, một nhóm các nhà nghiên cứu âm nhạc đã tiến hành nghiên cứu 11 phụ nữ mang thai, yêu cầu các bà mẹ tự chọn một bản nhạc rồi nghe thường xuyên trong 3 tháng trước khi sinh, có thể là nhạc cổ điển, nhạc rock, nhạc hiện đại.

Sau khi bé sinh trong vòng một năm, các bà mẹ này không được cho trẻ nghe bất kỳ loại nhạc nào. Đến khi 11 đứa bé này tròn 1 tuổi, người ta mới tiến hành khảo sát và đo lường.


Người ta cho trẻ nghe bản nhạc mà chúng từng nghe khi còn trong bụng mẹ, đồng thời cho các bé nghe cả những loại nhạc mà chúng chưa từng được nghe bao giờ.

Kết quả cho thấy: 11 đứa trẻ đều chú ý đến bản nhạc mà chúng từng được nghe, khoảng thời gian bé chăm chú hướng về phía phát ra tiếng nhạc khá dài. Người ta cũng so sánh nhóm này với nhóm 11 đứa trẻ bình thường khác chưa từng được nghe nhạc thì kết quả cho thấy chúng đều không tỏ ra quá chú ý hay quá quan tâm đến bất kỳ một loại hình âm nhạc nào. Hơn nữa, các nhà khoa học cũng phát hiện thấy, trẻ sơ sinh tiếp nhận rất nhanh tiết tấu âm nhạc của những bài hát mà chúng chú ý.

NƯỚC PHÁP

Viện khoa học Sức khỏe Y tế Paris - Pháp, vào khoảng những năm 80 cũng làm một cuộc thí nghiệm về thai giáo. Năm 1985, nhận lời mời của chính phủ pháp, đoàn đại biểu Trung Quốc đã thăm chính thức nước Pháp. Trong thời gian thăm viếng, một trong những thành viên của đoàn đại biểu - giáo sư phôi thai học trường Đại học Y Bắc kinh, chuyên gia về chăm sóc trẻ sơ sinh trong ống nghiệm Lưu Bân đã nhận lời mời của các chuyên gia về sinh sản học của Viện đi tham quan một thí nghiệm về thai giáo.


Trong cuộc tham quan, các nhà khoa học Trung Quốc đã chứng kiến một người phụ nữ 28 tuổi đang mang thai học cách thai giáo. Bắt đầu từ tháng thứ 8, cứ cách một ngày người phụ nữ này lại đến Viện Khoa học Sức Khỏe để thai giáo bằng âm nhạc.

Phương pháp thai giáo bằng âm nhạc như sau: các bác sĩ đặt tai nghe bên trên bụng người mẹ và bịt tai người mẹ lại để cô không nghe được âm thanh từ tai nghe phát ra. Sau đó, người mẹ nhắm mắt lại và thả lỏng cơ thể trong trạng thái nằm thoải mái. Lần nào, các bác sĩ cũng cho con nghe cùng một bản nhạc, cứ như vậy kéo dài cho đến khi sinh con.

Khi đứa trẻ được 3 ngày tuổi, để trắc nghiệm xem đứa trẻ có nhớ gì về bản nhạc mà nó đã từng nghe trước khi sinh hay không, người ta đặt nó nằm trong một chiếc ghế, ở dưới có giá đỡ để giúp nó bú sữa một cách thoải mái, cả người đứa trẻ được quấn vững trên giá đỡ nhưng hai tay vẫn để tự do.
Khi nghe thấy tiếng nhạc quen thuộc khi còn nằm trong bụng mẹ thì đứa trẻ có những biểu hiện như mút sữa theo giai điệu, hai tai cũng làm những động tác cũng theo giai điệu của bản nhạc.

Khi người ta tắt bản nhạc đó đi hoặc thay bản nhạc khác, thì đứa trẻ không uống sữa nữa, hai tay cũng không đưa đi đưa lại hoặc nếu có đung tay thì cũng không theo một quy tắc nào cả. Thí nghiệm này chứng tỏ rằng, thai nhi trước khi chào đời có thể có khả năng cảm thụ giáo dục, và đứa trẻ dù đang trong giai đoạn thai nhi cũng đã có trí nhớ, sau khi ra đời vẫn nhớ lại được.

Sự phát triển của thai nhi

"Nếu mỗi thai nhi trên thế giới này đều được hấp thụ dinh dưỡng tốt trong quá trình sinh trưởng và phát triển, thì bình quân mỗi phút cơ thể nó có thể tăng thêm 250.000 tế bào" 
Richard Leisitalke

Trước đây, nhiều người có quan niệm sai lầm rằng trẻ em chưa biết gì, thai nhi lại càng không biết gì. Những người nói chuyện với con trong bụng thậm chí còn bị mọi người xung quanh cho là "thần kinh có vấn đề". Nhưng cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự phát triển của các loại máy móc, thiết bị kiểm tra đặc biệt như máy siêu âm, máy đo nhịp tim cho thai nhi, lồng kính.... chúng ta có thể biết được thai nhi đã phát triển như một con người thực sự trong bụng mẹ. Các phản ứng biến đổi về nhịp tim, nhịp thở và quẩy đạp khi thai tiếp nhận những tác động kích thích, thậm chí cả những động tác của thai nhi như uống nước ối, đi tiểu và ngậm ngón tay, đều được các thiết bị hiện đại ngày nay quan sát và ghi nhận.

Các chuyên gia y học từ thập niêm 70 của thế kỷ XX đã dùng máy siêu âm để quan sát và phát hiện ra rằng, khi tuần tuổi của thai nhi càng tăng thì sự phân hóa hệ thần kinh não bộ cũng ngày càng phát triển và ngày càng có những khả năng mà khiến người ta ngạc nhiên. Cụ thể thai nhi phát triển theo từng tháng như sau:

Sự phát triển của thai nhi

Thai một tháng tuổi: Hệ thống thần kinh của thai nhi bắt đầu hình thành.



Thai hai tháng tuổi: Thai nhi bắt đầu xuất hiện lớp vỏ não, có xúc giác, biết cảm giác đau và có những vận động giống như bơi lội.


Thai ba tháng tuổi: Thai nhi đã là một con người hoàn chỉnh, có đầy đủ các bộ phận. Miệng thai nhi có thể chạm tới tay và cuống rốn, đã biết động tác mút tay từ tuần thứ 12. Vì khả năng bú đã được luyện tập từ trong bào thai nên khi vừa sinh ra, bé đã có khả năng bú mẹ ( người mẹ cho bé bú càng sớm càng tốt ). Nhờ khả năng bú mút mà não bộ và các giác quan của bé được kích thích phát triển. Bú mút kích thích sự phát triển của cảm giác da. Cảm giác này liên quan mật thiết đến sự phát triển của não.

Thai bốn tháng tuổi: Thai nhi có thể nghe được những âm thanh bên ngoài tử cung. Giai đoạn này hệ thống vỏ não của thai nhi đã hình thành, hệ thống này chi phối quyết định sự phát triển của 5 giác quan. Sau khi sinh, để phát triển trí tuệ thì 5 giác quan cần khỏe mạnh, do đó cách sinh hoạt trong cuộc sống đời thường của phụ nữ trong thời kỳ mang thai có vai trò rất quan trọng. Thời điểm này thai nhi cảm nhận được sự thoải mái hay buồn từ người mẹ. Mẹ vui giúp bé thấy thoải mái, cử động nhẹ nhàng, ôn hòa; khi mẹ buồn bực, bé cũng phản ứng lại, có bé đá vào bụng mẹ, có bé hoa chân múa tay loạn xạ. Có người mẹ khi đang mang thai thì người thân qua đời, chị rất đau khổ và cũng cảm thấy rõ cử động của thai nhi không bình thường, nó cũng có vẻ rất mệt mỏi.
Thời gian từ 4 tháng đến 7 tháng tuổi là khoảng thời gian quan trọng nhất cho sự phát triển trí nhớ của thai nhi. Khi người mẹ ở trạng thái tâm lý bất an, không vui hay lo sợ thì quá trình tiết hormone ở thai nhi bị ức chế, ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ của trẻ.

Thai năm tháng tuổi: Thai nhi đã có khả năng ghi nhớ. Bé sẽ có cảm giác an toàn nếu được nghe giọng nói của mẹ nhiều lần. Bé mút tay thành thục hơn, tiểu tiện được trong nước ối và thải ra qua ruột non. Thai nhi vận động mạnh, khiến người mẹ cảm thấy thai máy rõ ràng.

Thai sáu tháng tuổi: Thai nhi có khả năng ngửi được mùi của mẹ và ghi vào trí nhớ. Thai nhi vận động mạnh hơn.

Thai bảy tháng tuổi: Sự phát triển của não và các tế bào thần kinh gần giống người trưởng thành. Thị giác bắt đầu phát triển. Thai nhi đã có khả năng phát âm. Đặc biệt, giai đoạn này thai nhi đã phân biệt được những vị đắng, cay, chua, mặn, ngọt. Những gai vị giác giúp bé cảm nhận các vị này được hình thành từ tháng thứ 3 và được hoàn thiện dần cho đến khi ra đời, nhưng khi thai nhi được 7 tháng tuổi thì chúng gần như đã được hoàn chỉnh. Do đó trẻ sơ sinh có thể phân biệt được sự khác biệt giữa mùi vị của sữa mẹ và các thứ khác. Trẻ thích vị ngọt. Nếu em bé sinh non trong giai đoạn này vẫn có thể phát triển bình thường được. Các bác sĩ sẽ nuôi bé trong lồng kính tại bệnh viện cho đến khi bé có thể về với mẹ.

Thai tám tháng tuổi: Thai nhi có thể nghe và phân biệt được các âm thanh khác nhau, biết phân biệt giọng nói của mẹ và của bố, đồng thời có những phản ứng lại. Ví dụ, dưới sự kích thích của tiếng cãi nhau, nhịp tim của thai nhi có thể tăng nhanh, tỷ lệ động thai tăng, thậm chí thai nhi có thể đá chân vào bụng mẹ. Còn dưới tác động của những âm thanh nhẹ nhàng, được truyền đến một cách êm dụi thì nhịp tim của thai sẽ dần dần trở lại trạng thái ban đầu, tỷ lệ đạp cũng giảm dần, thai nhi dễ dàng đi vào giấc ngủ một cách khoan thai. Bé cảm nhận được vị đắng, vị ngọt.

Sau chín tháng: trẻ có thể sinh ra khỏe mạnh. Thai nhi đã có đầy đủ các bộ phận của cơ thể với chức năng phức tạp và hoàn thiện: có thính giác, xúc giác, vị giác, thị giác, khứu giác tương đối mẫn cảm. Bé có thể thoát ly cuộc sống ở nơi bụng mẹ và ra đời với một sức sống mạnh mẽ.

George Ohsawa - một nhà tiên phong của khoa học thực dưỡng, đã viết: "Thể chất cơ bản của một người được hình thành trong vòng 6 năm đầu tiên. Đây là thời gian cốt yếu của con người, nhưng thời kỳ bào thai trong bụng mẹ còn quan trọng hơn gấp ngàn lần. Trong quãng thời gian 290 ngày trong bụng mẹ, từ một tế bào sơ khởi đầu tiên đã nhân lên gấp 3 triệu lần ( trong khi trọng lượng của chúng ta chỉ tăng 12 lần từ khi sinh ra cho đến tuổi 20). Có thể thấy rõ sức khỏe và hạnh phúc của đứa trẻ tùy thuộc vào giai đoạn quan trọng có tính sống còn này".

Tìm hiểu thêm về sự phát triển của não thai nhi, chúng ta thấy: sau 25 ngày thụ thai, ngoài việc tế bào phôi thai hình thành ống thần kinh, não bắt đầu phát triển. Tháng thứ 2, kết cấu bên ngoài và bên trong não có thay đổi. Tháng thứ 4, lớp vỏ não bắt đầu manh nha. Tháng thứ 5, lớp vỏ đại não trưởng thành. Tháng thứ 6, vỏ não phân tầng và phân định thành những khu vực khác nhau; tới thời điểm này, vỏ não vẫn trơn nhẵn. Tháng thứ 7, lớp vỏ đại não xuất hiện nếp nhăn, các nếp nhăn này thể hiện khả năng trí tuệ của con người. Tháng thứ 8, thể tích não tăng lên rõ rệt, kết cấu của não dần trở nên phức tạp. Đến tháng thứ 9, đại não hầu như đã có rãnh não.

Từ sự phát triển của não, chúng ta có thể nhận thấy rằng nên thực hiện việc giáo dục thai nhi ngay từ tháng đầu tiên của thai kỳ. Khi não bắt đầu hình thành, phải cung cấp đầy dủ dinh dưỡng và tạo ra những thông tin thích đáng. Từ tháng thứ 4, cũng là khi lớp vỏ não hình thành, giáo dục thai nhi nên đi vào giai đoạn huấn luyện chính quy. Hướng dẫn thích hợp và khai thác tích cực có thể làm cho não phát triển tốt hơn. Não càng phát triển, rãnh trên lớp vỏ não cũng nhiều thêm, trẻ sẽ trở nên thông minh hơn.

Ngược lại, nếu thời kỳ não phát triển mà không cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, sau khi ra đời, trẻ có thể bị tình trạng trí lực kém. Một nhóm nghiên cứu ở Mỹ đã làm thực nghiệm trên những chú chuột cái mang thai. Họ cho chuột mẹ ăn uống thiếu thốn. Kết quả là phôi thai của chuột trong cơ thể chuột phát triển bình thường, nhưng đến thời kỳ bú sữa thì chuột con phát triển rất chậm. Khi giải phẫu thì phát triện số lượng tế bào não của những chú chuột con này thiếu 87% so với chuột bình thường. Từ đó cho thấy, dinh dưỡng không đầy đủ sẽ làm cho tế bào não của chuột con ít hơn bình thường. Đồng thời, não trong thời kỳ phát triển nhất định phải được kích thích đầy đủ, nếu thiếu những kích thích cần thiết thì não sẽ kém phát triển. Con người cũng tương tự, khoa học cho thấy trong thời kỳ mang thai, nếu thai phụ không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, thiếu khơi gợi thông tin, thì trẻ sau khi ra đời sẽ phát triển chậm, trí lực thấp kém.

Các bác sĩ ở nhiều nước khác nhau cũng đã có những nhận định về khả năng của thai nhi như sau:

"Nếu bố mẹ thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện với con (trong thai) bằng lòng yêu thương trìu mến, sẵn sàng đón nhận đứa con ra đời thì đứa trẻ ấy sẽ linh hoạt hơn, mau biết nói và phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Hơi ấm và giọng nói của bố mẹ được bé ghi vào bộ nhớ, đến khi bé chào đời, những ấn tượng thân quen này sẽ tạo nơi bé cảm giác an toàn, gắn bó."

"Tình trạng cảm xúc của người mẹ làm phóng thích các hóa chất nội tiết vào máu: ví dụ: chất endorphine (phấn chấn, vui vẻ), chất cholamine(sợ hãi)...Chỉ mất vài giây sau khi người mẹ trải qua các cảm giác ấy, các chất hóa học tương ứng sẽ đi qua lá nhau, đến thai nhi."

Như vậy trong thời kỳ mang thai, mẹ và con có sự hợp nhất với nhau về thể chất, sinh lý và tinh thần. Tâm trạng của người mẹ mang thai tự đồng hóa với đứa con trong bụng, khi mẹ xoa bụng, nói chuyện với con và cho con nghe nhạc, trẻ đã có những phản ứng thể hiện sự đồng tình hay phản đối cho mẹ biết thông qua sự dịch chuyển của thai.

Những thời điểm khám thai quan trọng nhất

Lần khám thai đầu tiên: khi trễ kinh 1 tuần, hoặc khi thử que cho kết quả 2 vạch, bạn hãy đến bệnh viện ngay. Có nhiều người biết có thai nhưng cố đợi đến hai ba tháng mới đi khám. Đều đó hoàn toàn không nên. Rất cần phải khám thai sớm để loại trừ những trường hợp thai nằm ngoài tử cung, rất nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời. Bạn sẽ được siêu âm để xác định thai có nằm trong tử cung hay chưa, đã có tim thai chưa? Nếu chưa thấy tim thai mới 5 - 6 tuần tuổi, bạn cũng đừng lo lắng. Đó là vì thai còn quá nhỏ. Bạn sẽ được hẹn lại lần sau, khi thai được 7 - 8 tuần tuổi để xác định tim thai.

Đo độ mờ da gáy: ở thời điểm 11 - 13 tuần, siêu âm giúp tính tuổi thai cực kỳ chính xác, Ngoài ra, đây cũng là thời điểm duy nhất có thể đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm ( gây bệnh down, di dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành...) Qua 14 tuần, chỉ số này sẽ không còn chính xác nữa.

Những thời điểm khám thai quan trọng nhất
Xét nghiệm sàng lọc Triple test: Giúp dự đoán nguy cơ bị down và di dạng nhiễm sắc thể của thai. Xét nghiệm này chỉ có giá trị khi được thực hiện vào tuần thai 14 - 17.


Siêu âm 4D: ở thời điểm 21 - 24 tuần, siêu âm có thể giúp phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng. Lần siêu âm này rất quan trọng vì nếu cần đình chỉ thai kỳ thì phải làm trước tuần 28. Ngoài ra, nếu để muộn hơn mới siêu âm thì lúc đó thai nhi đã quá lớn sẽ khó phát hiện được các dị tật nếu có.


Chích ngừa uốn ván: ở lần khám thai lúc 30 - 32 tuần, bạn sẽ được làm xét nghiệm công thức máu, thử nước tiểu và chích ngừa uốn ván. Ngoài ra, siêu âm sẽ giúp phát hiện một số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở động mạch, tim và não, kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi.

Non - stress test: khoảng 35 - 36 tuần, bạn sẽ được siêu âm màu Doppler để theo dõi động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kiểm tra nước ối, dây rốn... Bác sĩ cũng sẽ dự báo cân nặng bé lúc sinh. Một số nơi sẽ cho bạn làm Non - stress test nhằm kiểm tra sức khỏe của bé và tìm hiểu xem bé có nhận đủ oxy hay không bằng một máy đo tim thai và chuyển động của thai trong vòng 30 phút.


Từ giai đoạn này trở đi, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra mỗi tuần hoặc bất cứ khi nào đau bụng, ra máu để theo dõi tim thai, cử động thai và xem tình trạng cổ tử cung đã mở hay chưa. Việc của bạn lúc này là giữ cho tinh thần thoải mái vui vẻ và nghĩ ngơi thật tốt, vì chẳng còn bao lâu nữa bạn sẽ đón bé chào đời...

Lịch khám thai và tầm quan trọng của việc khám thai

Lịch khám thai định kỳ

Theo quy định của Bộ Y Tế, trong một thai kỳ, người mẹ phải được khám thai ít nhất 3 lần vào 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Tuy nhiên nếu khám đầy đủ thì phải là 7 lần đối với một thai kỳ bình thường, còn những thai kỳ có nguy cơ cao như tim sản, cao huyết áp... thì số lần khám thai sẽ nhiều hơn với nhịp độ khít hơn phụ thuộc vào các lý do y học.


Lịch khám thai định kỳ đối với một thai kỳ bình thường:

3 tháng đầu: khám thai 1 lần.
3 tháng giữa: khám thai 1 lần
Tháng 7,8: mỗi tháng 1 lần.
Tháng 9: hai tuần khám 1 lần.
1 tuần trước khi sinh: khám 1 lần

Tầm quan trọng và nội dung của khám thai 3 tháng đầu:


Tầm quan trọng

Lần khám thai đầu tiên ở 3 tháng đầu rất quan trọng, vì:
  • Bác sĩ sẽ chẩn đoán có thai hay không? Mấy thai?
  • Bác sĩ sẽ chẩn đoán tuổi thai và tính ngày dự sinh: nhiều chị em không nhớ rõ ngày kinh chót, khống có kinh, kinh không đều... nhờ khám thai 3 tháng đầu, bác sĩ mới chấn đoán chính xác tuổi thai, dự đoán ngày sinh sát hơn là những tháng giữa và tháng cuối thai kỳ. Từ đó mới có thể biết được khi sinh là thai đủ tháng hay non tháng, dự phòng được thai già tháng và nhất là sau này có thể phát hiện được thai suy dinh dưỡng trong tử cung.
  • Bác sĩ sẽ phát hiện những bệnh lý của mẹ kèm thai như tim sản, tiểu đường, cao huyết áp... từ đó sẽ tư vấn cho các bà mẹ nên tiếp tục hay chấm dứt thai kỳ, cách điều trị, cách thức dưỡng thai và quyết định lịch khám thai tiếp theo.
  • Bác sĩ sẽ phát hiện những bệnh lý phụ khoa kèm thai như khối u buồng trứng, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung kèm theo... từ đó sẽ tư vấn cho các bà mẹ cách điều trị thích hợp.
Nội dung khám:
  • Khám toàn diện: tim, phổi, cân trọng lượng, đo huyết áp, khám gan lách...
  • Khám phụ khoa xem tình trạng viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung, các khối u tiểu khung.
  • Thực hiện các xét nghiệm như thử nước tiểu, thử máu...
  • Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ cho siêu âm.
Tầm quan trọng và nội dung của khám thai 3 tháng giữa:


Tầm quan trọng:

Khám thai 3 tháng giữa cũng rất quan trọng vì:
  • Những dị tật, dị dạng thai nhi được chẩn đoán tương đối rõ ràng từ tuần lễ thứ 15 - 19 thai kỳ. Thai càng lớn, các dị tật, dị dạng sẽ khó quan sát hơn. Nhờ khám thai trong giai đoạn này, các bà mẹ sẽ được tư vấn để nếu cần thì phải chấm dứt sớm thai kỳ, tránh ảnh hưởng đến tâm sinh lý về sau.
  • Bác sĩ sẽ phát hiện được rối loại huyết áp do thai vào tuần lễ thứ 20, từ đó dự phòng tiền sản giật nặng hay sản giật về sau.
  • Theo dõi sự phát triển của thai nhi, sự tăng cân của bà mẹ, phát hiện thai suy dinh dưỡng trong tử cung, từ đó có chế độ dinh dưỡng hoặc những chăm sóc đặc biệt cho bà mẹ. Đối với những thai kỳ nguy cơ cao; bác sĩ sẽ theo dõi diễn tiến bệnh, khả năng đáp ứng của bà mẹ với bệnh lý, từ đó có chế độ điều trị thích hợp.
  • 3 tháng giữa là thời điểm lý tưởng để thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật sản phụ khoa thích hợp mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi hoặc không làm cho sinh non như khâu vòng cổ tử cung ở những bà mẹ bị hở eo tử cung, phẫu thuật bóc hoặc cắt khối u buồng trứng ở những bà mẹ có khối ư buồng trứng.
Nội dung khám:
  • Cân trọng lượng, đo huyết áp.
  • Đo bề cao tử cung, nghe tim thai.
  • Siêu âm xem tình trạng thai, nhau và nước ối.
  • Thử máu, thử nước tiểu.
Tầm quan trọng và nội dung của khám thai 3 tháng cuối:



Tầm quan trọng:

3 tháng cuối là lúc các bà mẹ sắp sinh, mà các tai biến sản khoa thường xảy ra khi sinh, trong chuyển dạ. Do đó, khám thai và ba tháng cuối là để:

  • Bác sĩ chẩn đoán ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu người mẹ... từ đó có thể tiên lượng được cuộc sinh sắp tới là dễ hay khó, có những nguy cơ nào...
  • Bác sĩ có thể phát hiện được những thai kỳ nguy cơ cao và từ đó cho nhập viện sớm trước ngày dự sinh.
  • Bác sĩ cho nhập viện, mổ chủ động khi thai đủ tuổi trưởng thành ( 38 tuần ) đối với những trường hợp phải sinh mổ như: nhau tiền đạo, ngôi mông con to, khung chậu hẹp, vết mổ lấy thai cũ...
  • Bác sĩ sẽ quyết định cơ sở y tế nào mà các bà mẹ có thể sinh tại tuyến xã, quận huyện hay tuyến tỉnh, tuyến thành phố, trung ương.
Nội dung khám:
  • Cân trọng lượng, đo huyết áp.
  • Đo bề cao tử cung, nghe tim thai.
  • Tiêm ngừa hỗ trợ phổi cho bé ( tuần 28 ) và siêu âm Doppler để kiểm tra động mạch não của bé ( tuần 31 - 33). Siêu âm xem tình trạng thai, nhau và nước ối.
  • Thử máu, thử nước tiểu.
Thực hiện sàng lọc sơ sinh



Sau khi trẻ ra đời, cần thực hiện sàng lọc sơ sinh bằng cách:
  • Lấy máu gót chân em bé để kiểm tra xem trẻ có bị thiếu máu tán huyết hay không.
  • Kiểm tra xem trẻ có bị bệnh nhược giáp bẩm sinh hay không. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, chi phí điều trị sẽ rất thấp và trẻ sau này phát triển bình thường. Nếu sau 3 tháng mới phát hiện thì trẻ bị đần độn suốt đời.
Kết luận:

Một thai kỳ bao giờ cũng có nguy cơ thấp hay cao, nên cần có sự hợp tác, hỗ trợ tốt giữa thầy thuốc và thai phụ để cho thai kỳ được kết thúc tốt đẹp, bảo vệ tốt sức khỏe của mẹ và bé cũng như cho ra đời những em bé thông minh khỏe mạnh.

Thai giáo là gì? Hiệu quả của thai giáo

Thai giáo là gì? Dạy con từ 0 tuổi

Thai giáo, nghĩa là nuôi dạy con từ khi còn là bào thai. Công việc này được tiến hành đồng thời cả hai mặt: Thể chất và tinh thần.


Thai giáo là quá trình giáo dục với các biện pháp tổng hợp được bắt đầu từ khi chuẩn bị mang thai, điều chỉnh hoàn cảnh môi trường trong và ngoài cơ thể người mẹ, tiến hành dạy dỗ và giáo dục thai nhi một cách chủ động, tích cực, giúp thai nhi phát triển toàn diện và đầy đủ cả thể chất và tinh thần, trí tuệ và nhân cách.

Có nhiều kiểu thai giáo: thai giáo bằng âm nhạc, thai giáo bằng ngôn ngữ, thai giáo bằng xoa bóp, thai giáo bằng chế độ ăn uống, thai giáo bằng cách tạo môi trường tốt... Nhưng tổng hợp lại, chúng tôi thống nhất có 2 phương pháp thai giáo: thai giáo trực tiếp và thai giáo gián tiếp.

Thai giáo trực tiếp là tiến hành các biện pháp giáo dục sớm cho thai nhi. Dạy thai nhi thông qua các bài tập tác động đến 5 giác quan của cả mẹ và bé

Thai giáo gián tiếp là việc chăm sóc bà mẹ mang thai về mặt dinh dưỡng, tinh thần, tránh những kích thích không tốt cho mẹ và bé

Thai giáo là biểu hiện tình cảm giữa các thế hệ, là bản năng tự nhiên gắng liền với khao khát làm cha mẹ, là sự ttheer hiện tình cảm với con. Ai cũng từng được thai giáo nhưng khác nhau về mức độ, cách thức. Người thầy vĩ đại nhất của chúng tôi chính là MẸ:"Phúc đức tại mẫu". Xã hội tiến bộ hay suy thoái chính nhờ vào các bà mẹ. Chín tháng mười ngày nền tảng của đứa con do các bà mẹ cưu mang là nền tảng của xã hội tốt hay xấu sau này.

Hiệu quả của thai giáo

Lợi ích của thai giáo:

  • Tốt đẹp cho con
  • Gắn bó gia đình
  • Tu dưỡng được mình
  • Lợi nhà, ích nước

Nhà giáo Nguyễn Việt Hùng đã đúc kết 4 lợi ích của thai giáo thành một bài thơ như trên. Thời kỳ trong bụng mẹ (tiên thiên) quan trọng gặp nhiều lần sau khi sinh (hậu thiên), là cơ may số một, là thời gian vàng để bà mẹ giúp con NÊN NGƯỜI TỐT ĐẸP sau này.

Một lời nói trong tầm tai nghe của thai nhi, mọi tâm trạng của thai phụ đều có ảnh hưởng đến tính cách của trẻ trong tương lai, thành nền móng nhân phẩm cho mỗi công dân sau này. Cho nên thai giáo không chỉ có ý nghĩa quý giá với gia đình, mà còn có tác dụng to lớn với xã hội.

Đặc điểm của trẻ em được thai giáo

Theo tác giả Trần Trúc Anh trong quyển Cẩm nang thai giáo - Phương pháp giáo dục trẻ khi còn là bào thai thì những trẻ em được Thai giáo tốt sẽ có những đặc điểm sau:

  • Thừa hưởng những ưu điểm di truyền của bố mẹ: Kết hợp những nét đẹp của bố và mẹ nên thường xinh trai, đẹp gái hơn bố mẹ.
  • Nhanh chóng trưởng thành: trẻ được thai giáo có biểu hiện rõ ràng là lớn nhanh hơn những trẻ khác, nói sớm, nhanh nhẹn, hoạt bát..., biết ngồi, đứng, đi, chạy sớm hơn những đứa trẻ khác.
  • Ngoan, ngủ tốt, hiếm khi quấy khóc: Trẻ được thai giáo có đầy đủ dưỡng chất trong cơ thể ngay từ trong bụng mẹ nên có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái nên thường dễ nuôi.
  • Chỉ số IQ, EQ cao: nhờ những tác động hàng ngày suốt trong thời kỳ mang thai nên não bộ của trẻ được thai giáo phát triển rất nhanh. Và do được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương, những cảm xúc tích tực từ mẹ và mọi người xung quanh, bé có chỉ số thông minh xúc cảm (EQ) cao hơn những trẻ khác.
  • Phẩm chất đạo đức tốt:"con vào dạ, mạ đi tu" nên trẻ được thai giáo được hưởng những suy nghĩ chân, thiện, mỹ từ mẹ nên có xu hướng trở thành những người biết quan tâm đến mọi người, yêu thương mọi người, nhiệt tình, thành thực, có thái độ sống tích cực, yêu ghét rõ ràng, biết phải trái.
  • Dễ thích ứng và nhiều khả năng sáng tạo: Trẻ trải qua quá trình thai giáo thường có tính độc lập trong cuộc sống, biết tự lập sớm, có khả năng thích ứng với các môi trường sống khác nhau, có cá tính mạnh, trí tưởng tượng phong phú, có tinh thần sáng tạo, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
  • Có ý chí kiên cường: trẻ được thai giáo thường sống lạc quan, cho dù gặp khó khăn cũng dũng cảm đương đầu.

Tóm lại, trẻ được thai giáo có rất nhiều ưu điểm, thực sự là những đứa trẻ có đầy đủ tố chất như chúng ta hằng mong đợi
BACK TO TOP