Home » » Dinh dưỡng trước và sau khi có thai

Dinh dưỡng trước và sau khi có thai

Sinh ra một em bé hoàn hảo là điều mà tất cả các bậc cha mẹ đều mong ước. Có thể nói dinh dưỡng trong gian đoạn mang thai tác động rất lớn tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ sau này. 

Vì vậy việc chuẩn bị chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng trước và sau khi mang thai là điều vô cùng quan trọng mà các ông bố bà mẹ cần biết. Trang bị tốt kiến thức về dinh dưỡng sẽ giúp tăng cơ hội thụ thai và giúp cho cả mẹ và bé tránh được những rủi ro, bệnh tật.

Dinh dưỡng trước và sau khi có thai

Rất nhiều chị em phụ nữ không có thói quen chăm sóc sức khỏe trước thời điểm mang thai mà chỉ thường chỉ chú ý đến điều này khi đã thụ thai. Nếu vậy, bạn đã vô tình bỏ lỡ một bước vô cùng cần thiết để bé yêu của bạn khỏe mạnh hơn nữa. Dinh dưỡng có ảnh hưởng quan trọng đối với nhiễm sắc thể, vì thế ngay từ trước khi mang thai 6 tháng, bạn cần tuân thủ theo một chế độ ăn uống đầy đủ và khoa học giúp bổ sung đầy đủ dưỡng chất để có bước chuẩn bị thật hoàn hảo cho sực hình thành của bào thai.

Theo các nhà khoa học thì giai đoạn mà não bộ phát triển nhanh nhất là từ khi mang thai cho đến lúc đứa trẻ được một tuổi. Lúc em bé mới sinh ra, trọng lượng của bộ não khoảng 400 gr, bằng một phần tư trọng lượng bộ não của người trưởng thành. Khi bé được 6 tháng tuổi, trọng lượng cả bộ não đã tăng gấp đôi. Đến một tuổi thì tăng gấp ba, tăng khoảng 66% bộ não của người trưởng thành. Vì vậy, việc chuẩn bị tốt cho vấn đề dinh dưỡng trước và sau khi mang thai sẽ cho ra đời một em bé thông minh, khỏe mạnh.

Ăn uống như thế nào cho đúng cách trong suốt thời gian trước và sau khi mang thai là vấn đề mà các bậc cha mẹ đều rất quan tâm. Có thể nói, một chệ độ ăn uống lành mạnh và khoa học là phải đảm bảo đầy đủ dưỡng chất bao gồm các loại thực phẩm giàu chất sơ, tăng cường các loại vitamin và khoáng chất cần thiết, bổ sung thêm nhiều rau xanh và hoa quả... Bạn cần cung cấp cho cơ thể những khoáng chất và vitamin thiết yếu sau:

Protein

Một chế độ dinh dưỡng tốt không thể "vắng mặt" thành phần protein. Các axit amin có trong protein giúp xây dựng cơ bắp cho em bé ngay từ trong bụng mẹ. Đây là vật liệu căn bản tạo ra các mô bào và rất cần thiết cho sự hình thành đại não của thai nhi. vì vậy, bà mẹ mang thai cần phải bổ sung đầy đủ thực phẩm chứa protein.

Protein tập trung chủ yếu trong các loại thịt tươi, trứng, thịt gà, pho mát, cá, sữa, đậu, vừng, các loại hạt như ngũ cốc... Khi mang thai bạn cần ăn thêm các loại thức ăn kể trên, nhất là ba tháng cuối của thai nghén vì đây là lúc mà thai nhi tăng trưởng rất nhanh. Ngoài ra, người mẹ cũng cần nhiều protein vì tử cung, tuyến vú và các tế bào khác đều lớn hơn để hỗ trợ thai nhi và cho con bú sau này.

Chất béo


Những loại thực phẩm giàu lipid rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ thai nhi, đồng thời cũng là nguồn năng lượng quan trọng giúp cơ thể chuyển hóa vitamin A, D, E, K. Axit linoleic và axit linolenic có trong chất béo là các chất dinh dưỡng khổng thể thiếu đối với sự phát triển các tế bào não. Dầu, thịt mỡ, bá béo, bơ, lòng đỏ trứng, sữa toàn phần và một số loại hạt như đậu phộng, đậu xanh, đậu đỏ... là những thức ăn có chứa nhiều chất béo. Chất béo cần thiết cho chế độ ăn trung bình nhưng nó cũng cung cấp nhiều calo, nếu lạm dụng sẽ gây béo phì hoặc yếu gan. Vì vậy phụ nữ mang thai nên sử dụng chất béo một cách trung bình trong chế độ ăn hằng ngày.

Nước

Để đảm bảo cho việc tích trữ năng lượng và cơ thể không bị thiếu nước thì ngoài lượng sữa và nước trái cây, thai phụ cần uống ít nhất 2 đến 3 lít nước mỗi ngày. Uống nhiều nước giúp phát triển các tế bào mới, gia tăng khối lượng máu, tạo ra nước ối che chở cho phôi thai trong dạ con. Ngoài ra, nó cũng giúp cho thận của thai phụ được khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ phù nề, chứng táo bón và nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.

Canxi

Giai đoạn trước và sau khi mang thai, người phụ nữ rất cần bổ sung thêm nhiều canxi, vừa cho thai nhi, vừa cho người mẹ. Giai đoạn này, nhu cầu canxi tăng gấp 2 lần bình thường, tức 1.000 mg/ngày (uống khoảng 3 ly sữa không kem mỗi ngày sẽ cung cấp đủ lượng canxi này). Canxi giúp phát triển xương và răng em bé. Canxi có nhiều trong pho-mat, sữa, yaourt, tôm, cua, trứng, cá hồi, bánh mì, các loại quả sấy khô... Canxi cũng có trong các loại rau như xà lách xoong, súp lơ, rau diếp cá, rau diếp xoăn... Đặc biệt canxi có nhiều trong xương cá, vỏ tôm. Phụ nữ mang thai nên ăn cá cả xương và tôm để nguyên vỏ để em bé được cứng cáp và khỏe mạnh hơn.

Chất sắt


Trong suốt thời kỳ mang thai, sắt là loại khoáng chất không thể thiếu đối với phụ nữ. Sắt rất cần thiết cho việc sản xuất hồng huyết cầu và giúp vận chuyển oxy qua máu. Nó giúp cho việc tạo máu ở mẹ và xây dựng tế bào bào máu cho thai nhi, đồng thời tạo máu dự trữ để bồi hoàn lượng máu mất đi sau khi em bé chào đời. Thiếu sắt, cơ thể người mẹ dễ bị suy nhược, mệt mỏi vì năng lượng nhanh bị tiêu hao, do đó cũng ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Khi mang thai, bạn cần bổ sung lượng sắt gấp đối nhu cầu bình thường, nên ngoài nguồn cung trong thực phẩm hằng ngày, bạn cũng cần uống thêm viên sắt bổ sung. Bạn nên kết hợp bổ sung chất sắt với vitamin C để cơ thể tăng cường tối đa việc hấp thụ sắc.

Một số loại thực phẩm có chứa nhiều sắt như: thịt nạc đỏ, hoa quả sấy khô, bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh lá đậm...

Carbohydrate


Carbohydrate có vai trò tích trữ và vận chuyển năng lượng cho cơ thể, nó cung cấp năng lượng lâu dài cho bà mẹ và thai nhi. Carbohydrate có trong gạo còn cám, bánh mì, ngũ cốc khô, sinh tố, rau, trái cây, khoai tây, khoai lang, đường trắng...

I- Ốt

Bạn cần chú ý đảm bảo đủ i-ốt từ trước khi thụ thai cũng như trong quá trình mang thải để tránh tổn thương não ở thai nhi. Nếu thiếu i - ốt trầm trọng thì người mẹ sẽ bị u tuyến giáp. Và khi kích thích tố này giảm ở người mẹ thì em bé có nguy cơ thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ, đần độn, cơ thể thấp bé, nhẹ cân.

Trong cá và các loại hải sản có nhiều i-ốt hơn các thực phẩm khác. Lượng i-ốt rất cần thiết, nhưng chỉ cần rất ít, vì vậy chỉ cần dùng muối i-ốt đê nêm thức ăn là đủ nhu cầu.

Kẽm

Kẽm cần thiết để giúp tế bào tăng trưởng, hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi. Đồng thời kẽm cũng giúp cho việc thụ thai thuận lợi và dễ dàng hơn, ở cả nam và nữ. Nếu không được bổ sung đầy đủ khoáng chất này thì em bé sẽ thiếu trọng lượng, thần kinh kém phát triển. Kẽm có nhiều trong ngũ cốc, thịt và sữa và một số loại hải sản (đặc biệt là hàu).

Axit folic


Axit folic vô cùng quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Đây là loại vitamin B9 đóng vai trò chủ chốt đảm bảo cho thai nhi phát triển bình thường, giúp giảm thiểu nguy cơ sẩy thai và ngộ độc thai. Thiếu axit folic trong giai đoạn trước và sau khi thụ thai sẽ gây thương tổn cho trung khu thần kinh và tủy sống của thai nhi. Đặc biệt trong 12 tuần đầu của thai kỳ, việc thiếu axit folic có thể dẫn đến nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh khiến thai nhi mắc các khuyết tật trên mặt như sứt môi hay hở vòm miệng hoặc gây những dị tật nghiêm trọng như nứt đốt sống.

Phụ nữ nên uống bổ sung loại vitamin này 6 tháng trước khi quyết định mang thai và tiếp tục uống trong thời gian mang thai sẽ giảm được nguy cơ sinh non, đồng thời giúp giảm nguy cơ dị thai ống não như chứng gai đôi cột sống. Nếu gia đình bạn có tiền sử dị thai ống não, bác sĩ sẽ tăng liều dùng mỗi ngày cho bạn. Có thể hấp thụ axit folic tự nhiên bằng cách ăn những loại rau có màu xanh đậm như rau chân vịt, rau cải, súp lơ xanh, măng tây, xà lách, bạc hà, củ cải đường, ớt; các loại đỗ và ngũ cốc như ngô, đậu Hà Lan, đậu đen, đậu phộng, hạnh nhân, hạt điều,...; các loại thịt như thịt bò nạc, thịt gà, gan động vật và một số hoa quả như cam, bưởi, chanh, táo...

Axit folic có rất nhiều trong thực phẩm nhưng nếu chỉ bổ sung bằng cách ăn uống đầy đủ chất cũng vẫn chưa thể giảm thiểu nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh. Đồng thời asit folic cũng là loại vitamin tan trong nước, cho phép cơ thể loại bỏ lượng dư thừa... Vì thế, các bác sĩ thường chỉ định cho thai phụ uống bổ sung thêm viên sắt, axit folic mỗi ngày trong giai đoạn trước khi mang thai và 3 tháng đầu thai kỳ.

Chất xơ


Là một chất xenluloo cần thiết để chuyển hóa thức ăn và cũng giúp loại bỏ chất thải nhanh chóng hơn. Ngoài ra chất xơ cũng giúp giữ nước và thải chất độc ra khỏi cơ thể.

Chất xơ cần được thai phụ chú ý bổ sung vì nó giúp tránh táo bón. Trong thời kỳ mang thai, do thai chèn ép khiến ruột không co bóp dễ làm cho người mẹ mắc chứng táo bón. Trái cây và rau xanh lá là những nguồn cung cấp chất xơ phong phú. Thai phụ nên tăng cường ăn rau quả đễ có thể giảm chứng táo bón, đây cũng là nguồn dinh dưỡng quan trọng giúp thai nhi phát triển.

Omega - 3


Omega - 3 là chất không thể thiếu trong suốt quá trình mang thai và cả trước khi mang thai. Đặc biệt, nó không thể thiếu trong quá trình phát triển trí não của trẻ. Khi omega - 3 trong cơ thể ít sẽ kéo theo nguy cơ sinh non và trẻ sinh bị thiếu cân. Chính vì thế, các bà mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ omega - 3 trước khi mang thai. Cá (cá thu, cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá chép...), trứng, dầu thực vật là những thực phẩm giúp cung cấp omega - 3. Một số loại rau có màu xanh đậm, đậu tương và đậu phụ, các loại hạt như hạt hướng dương, hạt vừng, hạt điều... cũng là loại thực phẩm cung cấp omega - 3.

Tạp chí mẹ yêu bé tổng hợp tin tức về sức khỏe và làm đẹp cho mẹ và bé. Gửi tâm sự và chia sẻ của bạn đến vinguyen2302@gmail.com. Chúng tôi sẽ tư vấn và trả lời mọi thắc mắc của bạn và đăng tải lên website trong thời gian sớm nhất.

0 comments:

Post a Comment

BACK TO TOP